Trật tự thế giới hé lộ trong các phát biểu của Tổng thống Nga Putin
Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022
Trong các phát biểu của Tổng thống Nga Putin, điều gây chấn động cho phương Tây thực ra không phải là lời cảnh báo về chiến tranh hạt nhân mà chính là những nhấn mạnh của ông về một trật tự địa - kinh tế mới. Phương Tây có lý do để lo lắng về các thách thức hạt nhân từ phía Nga. Nhưng nếu gạt các mối đe dọa đó sang một bên, phương Tây nên chú ý đến các mục tiêu lớn, nghiêm túc và mang tính chiến lược của Nga
Ý đồ của Tổng thống Putin khi cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân Nhiều nhà bình luận phương Tây cho rằng Tổng thống Putin chắc như thế nào đó nên mới đưa ra cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, xét đi xét lại, Nga đã cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ vì một mục tiêu, đó là ngăn ngừa sự can thiệp của khối quân sự NATO. Học thuyết hạt nhân của Nga bao gồm các điều khoản về sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng phải lưu ý rằng Tổng thống Putin và đội ngũ của mình đã phải nhọc công nhấn mạnh nhiều lần - vũ khí hạt nhân của họ chỉ được đem ra sử dụng khi nhà nước Nga và lãnh thổ Nga gặp nguy hiểm. Cho tới nay, Nga chưa thực hiện nhiều cuộc tấn công leo thang cấp độ thấp nào để giải quyết xung đột với Ukraine, tức là họ chưa tấn công vào các cơ sở trọng yếu như nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. Đồng thời, cũng có ít bằng chứng về việc Nga tích cực chuẩn bị cho một đòn tấn công hạt nhân nhằm vào đối phương hoặc đặt lực lượng hạt nhân của mình trong trạng thái báo động cao. Thực ra, Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Nga đều rất thận trọng trong lựa chọn từ ngữ khi nói về kho vũ khí hạt nhân của mình. Họ chưa một lần đe dọa trực tiếp sử dụng vũ khí hạt nhân với Ukraine. Trong các trường hợp vừa qua, mục tiêu bị đe dọa luôn là phương Tây: Nếu phương Tây đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga và sự sống còn của nhà nước Nga, thì việc sử dụng hạt nhân là điều có thể xảy ra. Vấn đề ở đây là giới hạn cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng hưởng ứng Nga ở khía cạnh này khi NATO kiềm chế, tránh can thiệp trực diện vào xung đột Ukraine trên thực địa dù khối quân sự này rất mong muốn đánh bại Nga và làm suy yếu Nga về mặt quân sự. Còn Nga đã tỏ ra kiềm chế khi không tấn công hoạt động vận chuyển vũ khí của NATO vào Ukraine dù đây chính là một nguồn viện trợ quan trọng bảo đảm các thành công của Ukraine trên chiến trường. Trong phát biểu gần đây, Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình bằng mọi phương tiện cần thiết. Ông không đề cập công khai vũ khí hạt nhân. Điều rõ nhất chỉ là ông đề cập việc Mỹ hủy diệt các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân vào tháng 8/1945, coi hành động đó đã tạo ra tiền lệ. Mỹ sử dụng 2 quả bom nguyên tử trên chiến trường Nhật Bản nhằm chấm dứt chiến sự ở Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Do vậy, ông Putin có thể đang ngụ ý rằng Nga sẽ lựa chọn một chính sách tương tự ở Ukraine. Trong diễn văn của mình gần đây, Tổng thống Putin nói rằng các vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản cũng như việc Mỹ ném bom chiến lược xuống Đức và Nhật Bản là “không cần thiết về mặt quân sự” mà chỉ được thực hiện với mục đích hăm dọa. Lập luận của Tổng thống Putin ở đây không chỉ là về các mối đe dọa hạt nhân mà nằm trong ý đồ lớn của ông muốn công kích vai trò của phương Tây trong lịch sử thế giới. Thách thức sự thống trị của phương Tây Tổng thống Putin đang làm sống dậy nhiều chủ đề mà ông ủng hộ nhiều năm trước đây. Chẳng hạn, hồi năm 2017 ở Munich, ông đã tố cáo các cường quốc phương Tây vi phạm luật quốc tế. Nga đang hướng tới một trật tự thế giới, với vai trò đang nổi lên của Trung Quốc hay của các quốc gia nhỏ hơn như Iran. Ông Putin hy vọng sự phẫn nộ trước phương Tây sẽ tiếp nhiên liệu cho việc phát triển một tập hợp các quan hệ quốc tế mới thách chức sự thống trị của phương Tây. Ông Putin cho rằng Nga chấp nhận các cách sống khác nhau và không có ham muốn áp đặt “bá quyền văn hóa” lên các nước khác. Trái lại, ông lập luận, phương Tây làm hủ bại, chuyển hóa và tìm cách phá hủy lối sống khác biệt với họ. Do vậy, theo ông, phương Tây tự nhiên trở thành kẻ thù đối với các nền văn hóa Nga-Slav, Hồi giáo và châu Á, cũng như các đất nước và dân tộc tương ứng với các nền văn hóa đó. Nga bảo vệ các giá trị truyền thống, giương cao “tiêu chuẩn dân chủ thực sự” như được định nghĩa trong biên bản ghi nhớ chung của Nga và Trung Quốc - một quan điểm tôn trọng các trung tâm quyền lực khác nhau. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine chỉ bắt đầu sau khi Thế vận hội tổ chức ở Trung Quốc kết thúc. Nếu Nga thành công trong chiến dịch quân sự đặc biệt thì Trung Quốc cũng hưởng lợi nhiều vì lúc đó sẽ có một khối thống nhất gồm Nga, Belarus và Ukraine để đối đầu với liên minh Xuyên Đại Tây Dương, gây chia rẽ, thậm chí phá bỏ liên minh này. Trung Quốc chưa bao giờ tỏ thái độ đối lập với Tổng thống Putin về chiến dịch quân sự tấn công Ukraine. Thậm chí lời kêu gọi trung gian hòa giải của Trung Quốc gần đây còn tương thích với đề xuất hòa bình mà phía Nga đưa ra cho phía Ukraine. Quân đội Trung Quốc gần đây cũng tiếp tục tập trận bên cạnh quân đội Nga. Trong logic đó, không loại trừ khả năng trong khuôn khổ Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nga và Trung Quốc đã thảo luận các vấn đề như động viên lực lượng, vũ khí hạt nhân và sáp nhập lãnh thổ. Hệ thống kinh tế mới song song với hệ thống Âu-Mỹ Như vậy, cách nhấn mạnh của ông Putin về địa kinh tế có lẽ còn gây bất an cho phương Tây hơn rất nhiều. Phát biểu của ông Putin lên án hệ thống tài chính quốc tế hiện nay, cho rằng “không thể cứ nuôi sống người dân bằng đồng đô la và đồng euro”. Theo ông, Mỹ áp đặt “quyền lực của đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu”. Thương mại Nga-Trung đạt đến mức cao kỷ lục. Các hệ thống vệ tinh của Trung Quốc và Nga đang ngày càng được kết nối với nhau, liên lạc Trung-Nga thực sự mạnh mẽ và nhất quán. Trong Hội nghị thương đỉnh hồi tháng 9, SCO đã nhất trí gia tăng “các đồng tiền quốc gia” trong thương mại nội khối, tức là khởi xướng quá trình phi đô la hóa.
Khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) có thể trở thành nòng cốt của một hệ thống kinh tế toàn cầu mới có khả năng cạnh tranh với hệ thống do khối Mỹ-châu Âu thống trị. Phát biểu của Tổng thống Putin hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, trước hết là Thế giới thứ 3. Chính triển vọng kinh tế đó, chứ không phải nguy cơ chiến tranh hạt nhân, là điều khiến phương Tây phải quan ngại và tìm cách chấm dứt xung đột quân sự Ukraine càng sớm càng tốt. Trận chiến giành quyền làm chủ ở khu vực Á-Âu mới chỉ bắt đầu và Ukraine là điểm bắt đầu chứ không phải là điểm kết thúc của cuộc đấu tranh đó./. *** Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét